Tin ngành điện

EVN chưa đệ trình phương án tăng giá điện

Thứ ba, 7/10/2008 | 10:36 GMT+7
 Trước thông tin Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hoàn tất đề án tăng giá điện bình quân 18% (từ 860 đồng/KWh lên 1.017 đồng/KWh) từ ngày 1/1/2009 trình Bộ Công Thương xem xét, trao đổi với báo giới chiều qua, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN khẳng định, EVN chưa có đề xuất nào về tăng giá điện và những thông tin trên chưa chính xác.
Ông Đinh Quang Tri.
Trước thông tin Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hoàn tất đề án tăng giá điện bình quân 18% (từ 860 đồng/KWh lên 1.017 đồng/KWh) từ ngày 1/1/2009 trình Bộ Công Thương xem xét, trao đổi với báo giới chiều qua, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN khẳng định, EVN chưa có đề xuất nào về tăng giá điện và những thông tin trên chưa chính xác.

Vì sao EVN đề nghị mức tăng giá điện bình quân 18% và đánh chủ yếu vào các hộ tiêu dùng điện sinh hoạt, thưa ông?

Chính phủ giao EVN phối hợp Bộ Công thương, Cục Điều tiết Điện lực xây dựng cơ chế giá điện từ năm 2009, nhưng tôi khẳng định đến thời điểm này, EVN chưa có đề xuất nào về tăng giá điện. Chúng tôi cũng chưa thống nhất về mức tăng cụ thể. Có thông tin nói về việc chia đôi bậc thang đầu tiên, đó cũng chỉ là ý tưởng của một số chuyên gia, EVN cũng chưa đề nghị. Quan điểm của EVN khi xây dựng đề án giá điện là bám sát chỉ đạo của Chính phủ, không trợ giá cho hộ gia đình tiêu dùng sản lượng cao. Nghĩa là dùng số lượng nhiều sẽ không được bù lỗ. Mức tăng thế nào do Bộ Công thương quyết định, nhưng sẽ ở tất cả các đối tượng sinh hoạt, sản xuất, dịch vụ.

Như vậy thì điện sinh hoạt sẽ tăng mạnh đối với những hộ sử dụng trên 100 KWh?

Điện bán cho sinh hoạt đang lỗ, chỉ có điện kinh doanh có lãi và EVN phải lấy lãi từ khu vực này bù sang điện sinh hoạt. Điện sinh hoạt từ 101 KWh trở đi là có lãi, nhưng dân dùng nhiều lại tốn năng lượng và phải đầu tư lớn mà EVN không muốn đầu tư. Do đó sẽ tăng mạnh đối với những bậc thang cao. Tuy nhiên, tôi cho rằng, mức tăng không quan trọng mà vấn đề cần thiết là phải có cơ chế giá hợp lý để bảo đảm nhà đầu tư đủ bù đắp chi phí. Cơ chế này phải quy định rõ giá bán lẻ điện được quy định thế nào, ai là người quyết định. Giá này phải phản ánh được chi phí của nhà sản xuất và gần với giá thị trường, có thể tăng giảm tùy theo chi phí đầu vào của nhà sản xuất điện. Sắp tới, sản lượng điện của EVN chỉ chiếm dưới 50%. Chỉ khi có cơ chế giá rõ ràng, nhà đầu tư mới sẵn sàng bỏ vốn đầu tư và như vậy họ mới có cơ sở xây dựng được phương án kinh doanh hợp lý, bảo đảm vay được vốn ngân hàng.

Hiện nay, vay vốn ngân hàng rất khó khăn, trong phương án kinh doanh buộc phải bảo đảm có lãi mới được vay vốn. Nếu để nguồn điện tiếp tục “vào” chậm, 5-7 năm nữa chúng ta sẽ thiếu điện nhiều hơn. Còn giá điện có tăng đến 20% hay không sẽ do Chính phủ quyết định trên cơ sở cân nhắc những tác động của nó đến kinh tế, xã hội và lạm phát. Nhưng nếu không tăng giá, nguy cơ thiếu điện sẽ nặng nề hơn vì không ai dám đầu tư. Bài học của Philippines rất đáng quan tâm: Do không tăng giá điện, không thu hút được sự đầu tư nguồn mới nên Chính phủ phải gấp rút đầu tư các dự án điện chạy dầu DO với giá 22 cent/KWh.

EVN gần đây trả lại 13 dự án điện, chỉ vì thiếu vốn hay còn lý do nào khác?

Vốn đầu tư cho 13 dự án đó vào khoảng 20 tỷ USD. Để triển khai dự án, sẽ phải thành lập công ty cổ phần, trong đó EVN nắm giữ cổ phần chi phối. Theo quy định, công ty phải đảm bảo nguồn vốn tự có vào khoảng 6 tỷ USD, 14 tỷ USD còn lại đi vay. Chỉ tính riêng 6 tỷ USD kia thôi, để huy động không phải dễ dàng. Nếu EVN nắm giữ cổ phần chi phối, trên 51%, thì cần có ít nhất 3 tỷ USD.

Chúng tôi trả lại 13 dự án, nếu nhà đầu tư nào quan tâm và có khả năng tài chính thì tham gia. Hoặc nếu họ cần EVN tham gia thì chúng tôi chỉ tham gia với tỷ lệ vốn thấp. Đa phần các dự án trong số này đều là nhiệt điện. Nguồn nguyên liệu, đặc biệt là than, cho các dự án bây giờ không dễ nhập.

Tăng giá điện, vậy vấn đề chất lượng cung cấp điện của EVN thì sao?

Chất lượng điện không chỉ phụ thuộc vào nhà cung cấp mà phụ thuộc cả người tiêu dùng. Nếu hộ sản xuất không thông báo kịp thời kế hoạch sử dụng năng lượng cho EVN, hay sự phát triển quá nhanh của các khu dân cư thì công ty phân phối không thể kịp thời nâng cấp mạng điện. Như vậy, chất lượng điện sẽ kém đi. Cho nên với chất lượng điện, người tiêu dùng cũng phải có một phần trách nhiệm.

btp