Tin ngành điện

Thủ tướng: “Nhiệm vụ trọng tâm là ngăn chặn suy giảm kinh tế”

Thứ tư, 17/12/2008 | 14:44 GMT+7
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có buổi làm việc với lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sáng 16/12 tại Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có buổi làm việc với lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sáng 16/12 tại Hà Nội.

Buổi làm việc này diễn ra sau khi Chính phủ ra Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP về những giải pháp cấp bách ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội.

Những giải pháp đặt ra trong Nghị quyết, theo Thủ tướng, nhằm phục vụ cho nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là ngăn chặn suy giảm kinh tế, thay cho mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát trước đó.

“Quốc hội đã đặt ra cho Chính phủ nhiều nhiệm vụ mới. Nhưng lúc này, phải tập trung nhiệm vụ trọng tâm là ngăn chặn suy giảm kinh tế. Vì ngăn chặn được tình hình suy giảm kinh tế thì mới duy trì được tăng trưởng ở mức hợp lý khoảng 6,5%/năm. Từ đó mới có thể đảm bảo được an sinh xã hội”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng yêu cầu, trước mắt, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải tập trung thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP của Chính phủ mà trọng tâm là 3 lĩnh vực chính: thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; kích cầu đầu tư và tiêu dùng; điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ.

Thủ tướng cũng yêu cầu, ngay trong tháng 12 này, các bộ ngành phải xây dựng xong phương án về giải pháp tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh từng mặt hàng có sức sản xuất lớn; quy chế hỗ trợ chương trình xúc tiến du lịch; danh mục các dự án và mức vốn được hoãn và thu hồi; hình thành phương phương án phân bổ nguồn vốn trái phiếu chính phủ năm 2009…

Cũng trong tháng 12 này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng trình Chính phủ đề án xây dựng Quỹ nhà ở xã hội giai đoạn 2009 – 2015; Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ để sớm ban hành cơ chế phù hợp để đảm bảo khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp.

Chính phủ cũng đã đồng ý cho tạm ứng 1.500 tỷ đồng nguồn trái phiếu Chính phủ để đầu tư, cải tạo, xây dựng, nâng cấp hệ thống thuỷ lợi, tu bổ đê điều ở Đồng bằng sông Hồng…

Về số tiền 1 tỷ USD kích cầu đầu tư và tiêu dùng, tại buổi làm việc nói trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết: “Đây là tiền ngân sách, lấy từ nguồn dự trữ quốc gia dùng để hỗ trợ lãi suất. Hiện nay lãi suất các ngân hàng cho vay còn cao, nên một số công trình không thể tiến hành được. Cho nên chủ trương của Chính phủ là hỗ trợ lãi suất”.

Bộ trưởng Phúc cũng cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang có ý kiến với các cơ quan tổ chức nhà nước, các ủy ban của Quốc hội để trong hệ thống luật sửa đổi các vấn đề liên quan đến đầu tư xây dựng, có vấn đề gì cần sửa thì sẽ phải sửa qua chủ trương kích cầu lần này.

“Trong đấu thầu, chúng tôi đang xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư như thế nào để có thể giao cho họ quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu. Lựa chọn nhà thầu, có cả đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, có hình thức thương thảo hợp đồng, chỉ định thầu”, Bộ trưởng cho biết thêm.

Về phía các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, hầu hết các ý kiến đều thống nhất chủ trương kích cầu đầu tư và tiêu dùng của Chính phủ.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), kiến nghị rằng, ngoài chủ trương chung và các giải pháp, Chính phủ cần nhanh chóng xây dựng chương trình hành động cụ thể để triển khai Nghị quyết 30 trước 15/1.

Chính phủ cũng nên lập một tổ điều phối để quá trình thực hiện các giải pháp được đồng bộ; sau đợt thực hiện cần có cuộc tổng kết để rút kinh nghiệm.

Về nguồn vốn 1 tỷ USD kích cầu, ông Hà cho rằng mỗi lĩnh vực sản xuất, đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu nên có dự định cụ thể, ưu tiên cho lĩnh vực nào, sản phẩm nào như các nước Nga, Trung Quốc đã làm. Trên cơ sở đó, các tổ chức tham gia sẽ định lượng bằng những dự án.

Với quỹ đầu tư, theo ông Hà, do đặc thù là chỉ là quỹ vốn “mồi” nên cần lấy từ nhiều nguồn. Có thể từ dự trữ ngoại tệ, phát hành trái phiếu, các ngân hàng thương mại được chỉ định đầu tư...

Ông Hà cũng góp ý thêm, chỉ nên bố trí từ 15 - 20 dự án, vì nếu dàn đều sẽ không tập trung vào được các dự án trọng điểm, cần thiết hiện nay. Và vốn tự có của chủ đầu tư phải đạt 10 - 15%, vốn “mồi’ của quỹ này phải từ 25 -30%, còn lại 45 - 50% là của ngân hàng được ủy thác thu xếp.

Theo vneconomy

btp