Thời gian qua, mô hình kinh tế trang trại ở huyện Xuyên Mộc phát triển mạnh, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động ở nông thôn, trở thành“sức bật” của ngành nông nghiệp.
Năm 2008, khi cây điều và các loại hoa màu khác không đem lại hiệu quả như mong muốn, ông Phạm Văn Thí, ở xã Tân Lâm quyết định chuyển sang trồng quýt đường. Với hơn 6,5ha đất, ông Thí đầu tư xây dựng thành trang trại trồng quýt. Đến nay, trang trại trồng quýt của ông đã được mở rộng lên 11ha và cho thu hoạch 2 vụ. Ông Thí cho biết, vụ quýt vừa qua, sản lượng quýt đạt khoảng 275 tấn, với giá bán bình quân 15.000 đồng/kg, trừ chi phí ông lãi gần 3 tỷ đồng.
Năm 2005, sau khi thất bại với mô hình trồng các loại cây ăn quả, ông Vũ Ngọc Quốc, ở xã Bưng Riềng dành 2ha đất đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi heo rừng. Hiện trang trại của ông có khoảng 500 con heo thịt và heo nái. Bình quân, mỗi tháng ông Quốc xuất chuồng 2 lứa heo thịt bán ra thị trường, sản lượng gần 10 tấn/năm. Với giá thịt heo rừng hiện nay trên thị trường là 120.000 đồng/kg heo hơi, trừ chi phí, ông Quốc lãi hơn 300 triệu đồng/năm. Theo ông Quốc, chăn nuôi theo mô hình trang trại người chăn nuôi sẽ chủ động được khâu kiểm soát dịch bệnh, có điều kiện ứng dụng kỹ thuật mới trong chăn nuôi như: áp dụng phương pháp tự lai giống để có giống phù hợp với từng điều kiện tiểu khí hậu, tự phối trộn thức ăn để giảm giá thành. Mặt khác, nhiều phương thức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa các công ty chế biến thực phẩm với các trang trại chăn nuôi giúp người chăn nuôi giảm chi phí và tìm được đầu ra ổn định.
Huyện Xuyên Mộc hiện có 352 trang trại, với tổng vốn đầu tư hơn 224 tỷ đồng, chủ yếu là các mô hình trang trại chăn nuôi, trồng cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản. Các trang trại đã tạo công ăn việc làm cho gần 3.000 lao động, với mức thu nhập khá ổn định. Thu nhập của các trang trại đạt từ 100 triệu đồng cho tới 5 tỷ đồng/năm. Hầu hết các trang trại đều thực hiện quy trình sản xuất khép kín, tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có để khai thác tốt năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi trên mỗi đơn vị diện tích. Hiệu quả kinh tế từ các trang trại đã đã trở thành “đòn bẩy” thúc đẩy tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi của huyện bình quân hàng năm hơn 14%. Ông Hà Duy Hiểu, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Xuyên Mộc cho biết, việc hình thành các trang trại đã và đang tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, làm tiền đề cho phát triển công nghiệp chế biến nông sản. Ngoài ra, kinh tế trang trại còn góp phần không nhỏ vào việc nâng cao giá trị hàng hóa nông sản, góp phần quan trọng cho việc xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, do các trang trại ở huyện Xuyên Mộc chủ yếu phát triển tự phát, thiếu quy hoạch nên còn gặp hạn chế trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm và bảo đảm vệ sinh môi trường. Vì vậy, hiện nay huyện Xuyên Mộc đang tập trung rà soát, xây dựng các đề án, quy hoạch cụ thể các vùng chăn nuôi, chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện và cung cấp thông tin thị trường, tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người nông dân. Hỗ trợ bồi dưỡng kiến thức quản lý, chăn nuôi cho các chủ trang trại qua đó, khuyến khích người nông dân đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi theo mô hình kinh tế trang trại nhằm giải quyết nhu cầu lao động, nâng cao đời sống, tạo nguồn lực thúc đẩy kinh tế của huyện phát triển bền vững.
(Theo báo bà rịa vũng tàu)