Lãnh đạo Bộ Công Thương cho VnExpress.net biết đã trình các phương án giá điện và đề xuất lên Chính phủ. Thời điểm dự kiến tăng có thể là tháng 3, tuy nhiên, quyết định cuối cùng sẽ do Thủ tướng.
Từ chối bình luận về phương án giá cũng như những tác động từ đợt tăng giá điện sắp tới với lý do nhạy cảm, song vị quan chức Bộ Công Thương khẳng định các đề xuất gửi lên Chính phủ được tính toán rất kỹ, đảm bảo hài hòa các lợi ích giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp, Nhà nước...
Bên cạnh đó, mức tăng bao nhiêu và thời điểm nào, các bộ ngành cũng được tính toán kỹ trên cơ sở chi phí đầu vào, khâu phân phối điện, nhu cầu sử dụng, chỉ số CPI và khả năng chấp nhận được của các hộ gia đình. Một yếu tố được cơ quan soạn thảo lưu ý là VN vừa thoát khỏi khủng hoảng nên sẽ phải ưu tiên điện cho sản xuất, đảm bảo cho kinh tế năm 2010 tăng trưởng. "Nếu có những cú sốc quá nền kinh tế không chịu được, tôi cho rằng Chính phủ sẽ có những quyết định đúng đắn", vị quan chức này nhấn mạnh.
Trước đó, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đề xuất 4 phương án giá căn cứ vào tổng chi phí đầu vào toàn ngành, gồm khâu phát điện, truyền tải điện năng, phân phối, bán lẻ... khoảng 2.500 tỷ đồng. Đồng thời các chi phí đầu vào khác cho sản xuất kinh doanh điện năm 2010 dự kiến tăng, như than, khí, dầu, lương tối thiểu, nhu cầu đầu tư vào các nhà máy điện, tỷ giá, lãi suất...
Bộ Công Thương đồng ý về mặt nguyên tắc kiến nghị từ phía EVN song cho rằng cần tính toán chi tiết hơn các yếu tố tác động. Các phương án phải được căn cứ trên nguyên tắc như giảm dần bù giá điện từ điện sản xuất sang điện sinh hoạt, giá điện bình quân cho sản xuất được điều chỉnh với tỷ lệ tăng thấp hơn so với tỷ lệ tăng cho giá điện bình quân cho sinh hoạt. Đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách bù giá cho hộ nghèo và hộ thu nhập thấp, tỷ lệ bù giá bán điện cho bậc thang đầu tiên (tiêu thụ đến 50kWh mỗi tháng) và bậc thang thứ hai (từ 51kWh đến 100 kWh) được giữ không thay đổi so với tỷ lệ bù giá biểu giá điện 2009...
Hồi tháng 3/2009, giá điện trong nước đã có một lần điều chỉnh. Trong đó, giá điện sinh hoạt tăng khoảng 13% còn điện dành cho sản xuất vào khoảng 6-7,5% so với năm 2008. Theo tính toán của Bộ Công Thương tại thời điểm tăng giá, với điện sản xuất tăng khoảng 6-7,5%, năm 2009, các ngành sản xuất phải chi thêm khoảng 2.300 tỷ đồng.
(Theo trang Vnexpress)