Sau một thời gian khá dài đầu năm 2008, câu chuyện niêm yết dường như bị lãng quên khi TTCK suy giảm mạnh. Tuy nhiên, cùng với sự khởi sắc những tháng gần đây, lần lượt nhiều mã CK mới đã xuất hiện và thông tin về các bộ hồ sơ cũng nhiều hơn.
Theo thông tin công bố, từ tháng 6.2008 đến nay, Sở GDCK TPHCM (HoSE) nhận được khoảng 16 hồ sơ đăng ký niêm yết, trong đó đã chấp thuận về nguyên tắc lẫn chấp thuận niêm yết cho 9 DN và 1 quỹ đầu tư.
Một số mã đã chính thức giao dịch trên sàn như chứng chỉ quỹ VF4, KMR, DDM, và ngày 9.9 đã có thêm SZL của Cty Sonadezi Long Thành và VNA của Cty vận tải biển Vinaship chào sàn, nâng tổng số mã niêm yết tại sàn này lên 162 mã, trong đó có 158 CP và 4 chứng chỉ quỹ.
Trong số các DN đã nộp hồ sơ và đang trong quá trình hoàn thành, phải kể đến như CTCP vàng bạc đá quý Phú Nhuận, CTCP thuỷ sản Mekong, CTCP dược phẩm OPC...
Trên sàn Hà Nội (HaSTC), CP mới nhất được đưa vào giao dịch ngày 5.9 vừa qua là VCG của TCty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng VN (Vinaconex). Ngày 26.9 tới, CTCP nhựa Tân Phú cũng chính thức giao dịch CP của mình tại sàn Hà Nội với mã TPP.
HaSTC cũng đã chấp thuận nguyên tắc niêm yết cho một số DN khác như Cty than Đèo Nai, NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội... Thống kê của trung tâm cho thấy, tính từ đầu năm 2008 đến nay, đã có 24 DN mới niêm yết và hiện khoảng 13 DN đã nộp hồ sơ đăng ký, trong đó đa số nộp từ tháng 6 trở lại đây.
Theo nhận xét của GĐ một CTCK tại Hà Nội, nhu cầu tư vấn niêm yết của DN thực tế vẫn có, nhưng do diễn biến thị trường xấu trong nửa đầu 2008 nên tiến độ bị chậm lại.
Nguyên nhân chủ yếu là xuất phát từ phía DN khi "ngại" chào sàn lúc "thời tiết" không đẹp, giá CP có thể bị giảm quá mức, khiến tâm lý cổ đông không ổn định. Còn về phía CTCK, nếu có DN có nhu cầu, đơn vị vẫn thực hiện bình thường.
Gần đây khi TTCK niêm yết ấm hơn, thậm chí có lúc "hơi" sốt, tâm lý của chính lãnh đạo DN cũng "ấm" lên. Theo ý kiến này, nếu TTCK nửa cuối 2008 tiếp tục sôi động, số lượng DN niêm yết mới sẽ còn tăng nữa.
Mục tiêu minh bạch và thanh khoản
Câu chuyện về giá CK vốn là vướng mắc tế nhị đối với DN khi có ý định niêm yết, nhất là suốt thời gian đầu năm, thị trường OTC gần như đóng băng và giá CP giảm quá mạnh, thậm chí còn dưới mệnh giá.
Theo quy định của sàn HoSE, CP giao dịch ngày đầu tiên sẽ có một mức giá tham chiếu do đơn vị tư vấn và DN tự quyết định, biên độ dao động là +/-20%. Còn với sàn Hà Nội (HaSTC), giá chào sàn hoàn toàn do cung - cầu quyết định.
"Việc ấn định giá chào sàn là vấn đề quan trọng, vì nếu đưa ra giá quá thấp thì chưa nói đến chuyện thiệt hơn thế nào, chỉ riêng mức giá đã khiến thị trường cho rằng DN có vấn đề" - một GĐ DN đang xúc tiến niêm yết bày tỏ.
Thực tế này cũng đã từng xảy ra với không ít CP trên sàn HoSE, mà tiêu biểu có lẽ là KMR của Cty Mirae. KMR chào sàn từ 30.6 với giá 48.000đ/CP, dù được đơn vị tư vấn định giá "đầu 6". KMR rơi liên tục 36 phiên, xuống mức thấp nhất 16.100đ/CP. Việc giảm giá này hoàn toàn do yếu tố cung - cầu, khi bên mua chỉ nhất quyết đặt 1 lô tối thiểu để kéo giá giảm sàn.
Việc một số DN ngại niêm yết lúc thị trường "nguội" cũng là điều dễ hiểu. Một cổ đông của Cty Mai Linh cho biết, kế hoạch của Cty là lên sàn vào đầu tháng 8, nhưng tới giờ vẫn chưa có thông tin gì cụ thể.
Trả lời qua báo chí ngày 1.9, thông tin từ HĐQT cho biết "do tình hình TTCK không thuận lợi cho kế hoạch niêm yết nên HĐQT đã quyết định lùi thời hạn niêm yết, lựa chọn thời điểm thích hợp hơn.
Trên thực tế, không ít Cty khác cũng quyết định chưa lên niêm yết thời điểm này, nhiều CTCK cũng tư vấn như vậy với các tổ chức phát hành. Khi kinh tế vĩ mô và TTCK ổn định trở lại, HĐQT sẽ thực hiện các thủ tục để niêm yết CP".
Tuy nhiên, đối với cổ đông, vấn đề lại nằm ở chỗ khác: Đó là tính thanh khoản của CP và yêu cầu minh bạch thông tin. Thực tế giá CP trên thị trường OTC vốn được trao tay thoả thuận, nên khó có thể phản ánh hết giá trị thực tại của DN phát hành. NĐT sẽ rất hoang mang khi những mức giá được ghi nhận lẻ tẻ và không có thông tin đảm bảo.
Theo ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB, đơn vị vừa được HaSTC chấp thuận niêm yết 50 triệu CP - việc lên sàn của NH này một phần là giúp NĐT có cơ sở định giá CP có tính thị trường hơn. Các thông tin sẽ được công bố đầy đủ, chính xác hơn, nhất là đối với một DN lĩnh vực tài chính, ngân hàng vốn rất nhạy cảm.
"Vừa qua, có nhiều thông tin không chính xác về hoạt động của khối ngân hàng. Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng thực tế các NH vẫn hoạt động tốt, tính thanh khoản đảm bảo". Hiện SHB đang tích cực hoàn thành nốt thủ tục để có thể niêm yết trên HaSTC đầu tháng 10 tới.
(Theo báo Lao Động)