Tin ngành điện

Có nước, ôxy và methanol trong xăng

Thứ sáu, 3/2/2012 | 10:33 GMT+7
Ngày 2.2, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá (Tổng cục Chất lượng đo lường, Bộ KHCN) Trần Quốc Tuấn cho biết: Qua kiểm tra một số mẫu xăng trong thời gian gần đây cho thấy, chưa đủ căn cứ khẳng định nguyên nhân cháy nổ ôtô, xe máy trong thời gian là do xăng.

Tuy nhiên trong báo cáo khác, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng khẳng định nhiều mẫu xăng không đảm bảo tiêu chuẩn.

Có nước và “chất khác” trong xăng

Điểm khá... thú vị trong báo cáo này là 2 mẫu xăng được lấy từ cửa hàng – nơi được báo giới nêu là nơi xe bồn 57K-8275 thực hiện “rút ruột” xăng thì lại... không phát hiện được sự bất thường trong xăng. Cụ thể theo kết quả thử nghiệm số KT3-00061DK2/1 và KT30006DK2/2 của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 thì cả 2 mẫu xăng đều có hàm lượng nước. Mẫu xăng RON92 tại cửa hàng xăng dầu Bạch Đằng có hàm lượng nước 172mg/kg; mẫu xăng RON95 tại cửa hàng xăng dầu số 982 Xuyên Á Thủ Đức có hàm lượng nước 151mg/kg.

Tuy nhiên, báo cáo cho rằng trong quy chuẩn Việt Nam (QCVN) 1:2009/BKHCN không quy định hàm lượng nước đối với xăng không chì. Ngoài ra, cả 2 mẫu xăng đều không phát hiện hàm lượng aceton và methanol. Các chỉ số ốctan, hàm lượng ôxy, lưu huỳnh, phù hợp với QCVN 01;2009/BKHCN và áp suất phù hợp với TCVN 6776:2005. Mặc dù vậy, báo cáo này lại cho rằng không có cơ sở để khẳng định mẫu xăng trên được lấy chính từ xe bồn “rút ruột” xăng, vì thời điểm lấy mẫu lại không phải là lúc giao hàng.

Cũng theo Cục Quản lý chất lượng hàng hóa, trước những thông tin về ôtô, xe máy bỗng dưng bốc cháy từ 15.12.2011 đến đầu tháng 1.2012, đơn vị này đã kiểm tra lấy mẫu xăng dầu lưu thông trên 5 địa bàn là Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Bắc Ninh, Bắc Giang. Qua phân tích 27 mẫu thì phát hiện 2 mẫu có “chất lạ” trong xăng. Trong đó, riêng mẫu xăng của cửa hàng xăng dầu Mai Dịch, Cty CP sản xuất dịch vụ XNK Từ Liêm (địa chỉ km9 đường Hồ Tùng Mậu, Cầu Giấy, Hà Nội) có hàm lượng methanol chiếm 15,3% thể tích và có hàm lượng ôxy 8,8% khối lượng, vượt mức quy định 3 lần. Mẫu xăng của cửa hàng tạp hóa bán lẻ Đình Hiến - trụ bơm bán lẻ lề đường số 1A153 ấp 1 (xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TPHCM) có hàm lượng methanol chiếm 4,6% thể tích.

Chưa khẳng định nhưng vẫn nghi ngờ

Về nghi vấn cháy nổ xe do xăng, đại diện các cơ quan khoa học này cho rằng chưa có đủ cơ sở để khẳng định điều này. Theo các chuyên gia thì về nguyên tắc, để có thể xảy ra cháy nổ ở điều kiện bình thường phải đảm bảo đủ hai yếu tố cơ bản: Một là có nhiên liệu, hai là có nguồn nhiệt cao, có lửa. Xăng là nhiên liệu dễ cháy, có thể rò rỉ theo gioăng bị hở hay một nguyên nhân nào đó. Nhưng để cháy được phải có nguồn nhiệt cao, có mồi lửa. Nếu không có lửa hoặc nhiệt cao rất khó để xăng tự bốc cháy.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng không loại trừ nghi vấn có thể các cửa hàng bán xăng dầu (hoặc nơi bán xăng dầu trên vỉa hè) đã gian lận vì mục đích lợi nhuận nên đã pha thêm chất phụ gia vào xăng để nâng trị số octan. Các chất này có thể gây ảnh hưởng đến linh kiện, phụ tùng của xe, gây rò rỉ nhiên liệu khi có tia lửa điện dẫn đến cháy nổ hoặc tạo thành một hỗn hợp các chất để tự kích nổ.

Tổng cục cũng đã nghi vấn và tìm hiểu nguyên nhân cháy nổ do sự bất thường của xăng. Việc kiểm tra nhằm mục đích xác định xem xăng có các chất như methanol, acetone hay phụ gia khác thường hay không. Bên cạnh, đó cơ quan này cũng đã có văn bản đề nghị Cục Đăng kiểm VN yêu cầu các DN sản xuất, lắp ráp ôtô, xe máy cung cấp, trao đổi thông tin, kết quả nghiên cứu về các chất phụ gia (methanol, aceton...) có khả năng gây cháy nổ, ảnh hưởng đến chất lượng động cơ và linh kiện, phụ tùng trong xe.

Đặc biệt, các cơ quan này cũng đã có công văn đề nghị Thanh tra Bộ KHCN có hướng dẫn xử lý đối với trường hợp xăng có các chất không được phép có trong xăng và không quy định trong quy chuẩn và tiêu chuẩn. Đối với các trường hợp có “chất lạ” trong xăng, các đơn vị liên quan đang phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý theo pháp luật.

                                                                                                                                                (Theo báo lao động)

btp