Ngày 8.12, Trưởng phòng Nhân sự Ngân hàng Phương Đông (OCB) bất ngờ ra thông báo: Từ 2-15.1.2012, OCB sẽ lần lượt chấm dứt HĐLĐ với toàn thể nhân viên bảo vệ toàn hệ thống, tổng cộng hơn 230 người.
Bị “sốc” vì mất việc khiến NLĐ chưa hoàn hồn, OCB còn phát văn bản đòi nợ tất cả nhân viên bảo vệ có vay tiền OCB, càng làm cho nhiều người hoang mang; trong khi năm hết, tết đến...
Ồ ạt cho NLĐ nghỉ việc trước tết
Ngày 28.11.2011, Tổng GĐ OCB Trịnh Văn Tuấn ra thông báo chấm dứt HĐLĐ đối với toàn thể nhân viên bảo vệ OCB (230 người). Theo thông báo ngày 8.12 do bà Cao Thị Kim Dung - Trưởng phòng Nhân sự và Đào tạo OCB - ký, thì “OCB sẽ chấm dứt HĐLĐ đối với các nhân viên bảo vệ đang công tác trên toàn hệ thống trong thời hạn 45 ngày đối với nhân viên đã ký HĐLĐ không xác định thời hạn, 30 ngày đối với nhân viên ký HĐLĐ có xác định thời hạn từ 12-36 tháng”.
|
Trụ sở Ngân hàng Phương Đông. Ảnh: C.H |
Thông báo này cũng khẳng định: “Từ 2-15.1.2012, OCB sẽ lần lượt chấm dứt HĐLĐ của nhân viên bảo vệ với điều kiện báo trước như trên”. Thông báo nêu rõ: “Theo quy định của bảo hiểm, để hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhân viên bảo vệ sau khi chấm dứt HĐLĐ phải đăng ký mất việc làm với Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc Sở LĐTBXH trong vòng 7 ngày và phải hoàn tất hồ sơ trong vòng 20 ngày.
Như vậy, nếu chờ đến hết thời hạn báo trước mới chấm dứt HĐLĐ đối với các nhân viên bảo vệ ký HĐLĐ không xác định thời hạn (15.1.2012) thì sẽ ảnh hưởng đến việc hoàn tất hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, vì Tết âm lịch năm nay đến sớm vào 23.1”(?!). Ông Lê Hữu Chỉnh - Tổ trưởng tổ bảo vệ OCB - chi nhánh Thủ Đức - bức xúc: “Phải chăng OCB muốn chúng tôi nghỉ việc ngay trước tết để né tiền thưởng tết?”.
Bị mất việc, còn bị đòi nợ
Ngày 12.12.2011, ông Trần Văn Vĩ – GĐ khách hàng cá nhân chi nhánh OCB Thủ Đức (TPHCM) - có văn bản thông báo thu hồi nợ của hợp đồng tín dụng ký vào ngày 12.3.2009, giữa chi nhánh này với ông Lê Hữu Chỉnh. Thông báo thu hồi nợ này, căn cứ trên hàng loạt văn bản cho NLĐ nghỉ việc và hợp đồng tín dụng ký ngày 12.3.2009, giữa OCB với ông Chỉnh.
Theo đó, ông Chỉnh vay tín chấp 30 triệu đồng, thời hạn vay 60 tháng (nghĩa là tới ngày 12.3.2014 mới đáo hạn hợp đồng). Ông Chỉnh đã trả nợ gốc được 16 triệu đồng, dư nợ hiện tại còn 14 triệu đồng. Tuy nhiên, không hiểu vì sao, OCB lại đòi ông Chỉnh phải “trả số tiền nói trên trước ngày 31.12.2011”(?). Ông Chỉnh cho biết: Ngày 11.12, bức xúc vì bị cho nghỉ việc, tôi trình bày vụ việc với báo chí, thì ngay lập tức, ngày 12.12, tôi nhận được thông báo đòi nợ trước hạn, dù tôi không hề vi phạm hợp đồng(?). Liệu đây có phải là “đòn trả thù” của OCB với tôi vì dám công khai chuyện của ngân hàng lên báo?”.
Quan điểm của chúng tôi, việc OCB đòi nợ trước hạn với ông Chỉnh là hoàn toàn không đúng quy định pháp luật. Bởi, hợp đồng vay vốn ký giữa OCB và ông Chỉnh là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất để hai bên thực hiện quan hệ dân sự này. Bằng chứng, điều 3 hợp đồng đã ghi rõ: “Trường hợp thay đổi cơ quan công tác, bên B vẫn tiếp tục ủy quyền cho cơ quan mới thực hiện việc trích trả này”.
Ở đây, OCB chấm dứt HĐLĐ với toàn thể nhân viên bảo vệ để ký hợp đồng dịch vụ bảo vệ với 2 Cty khác, bằng lời hứa sẽ chuyển nguyên trạng bảo vệ qua 2 Cty đó. Nghĩa là thuộc “trường hợp thay đổi cơ quan công tác”, dù họ không hề muốn. Như vậy, bên B (ông Chỉnh) được tiếp tục ủy quyền cho cơ quan mới (là một trong 2 Cty bảo vệ mà OCB dự định chuyển ông Chỉnh về) thực hiện việc trích trả lương ông Chỉnh để trả cho OCB. Vậy, lấy cớ gì mà OCB lại đòi nợ trước hạn, mà chỉ cho ông Chỉnh có nửa tháng để trả nợ? Hơn nữa, tại điều 5 hợp đồng ghi rõ “bên A chỉ có quyền thu nợ trước hạn nếu bên B vi phạm hợp đồng”.
Ở đây, bên B (ông Chỉnh) không hề vi phạm hợp đồng, vẫn trả nợ gốc và lãi hằng tháng đều đặn, hơn nữa hợp đồng vẫn còn gần 3 năm nữa mới hết hạn... Vậy, ông Chỉnh có vi phạm hợp đồng đâu mà OCB đòi thu nợ trước hạn!
(Theo báo lao động)
btp