Ngày 9.8, thường trực Hội đồng Khoa học và Công nghệ ngành ngân hàng đã tổ chức hội thảo về nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách vĩ mô nhằm kiềm chế lạm phát, nhằm ghi nhận ý kiến của các nhà khoa học.
|
Giá cả các mặt hàng thiết yếu liên tục tăng cao thời gian qua. Ảnh: Kỳ Anh |
Cần kéo giảm lãi suất
Hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng, mục tiêu hạn chế tăng trưởng dư nợ tín dụng ở mức 20%, dư nợ phi sản xuất giảm xuống 16% là cần thiết. Nhưng làm thế nào để hạ lãi suất và từ nay đến cuối năm nên thắt chặt tiền tệ ở mức độ nào là những vấn đề cần xem xét. Theo ThS Nguyễn Thị Loan và ThS Trương Thị Phương Thảo (ĐH NH TPHCM), nguyên nhân lạm phát còn xuất phát từ sự thiếu hụt thanh khoản của NH, lãi suất tăng cao làm tăng chi phí đầu vào của DN. Có thời điểm lãi suất thị trường liên NH lên đến 25 - 27%.
Việc thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát đã khiến một số NH nhỏ khó khăn thanh khoản, đua huy động vốn, NH lớn cũng buộc phải đẩy lãi suất lên cao. Theo TS Nguyễn Thị Mùi (Vietinbank), làm sao cho lãi suất giảm trong bối cảnh chính sách tiền tệ vẫn theo hướng thắt chặt và lạm phát vẫn cao là vấn đề khó. NHNN cần chủ động, linh hoạt trong việc bơm và hút tiền, trong việc sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ. Khi lãi suất thị trường liên NH liên tục giảm thì NHNN cần điều chỉnh lãi suất trên thị trường này và thị trường mở để các NH thương mại và nền kinh tế biết tín hiệu.
TS Lê Anh Tuấn - Giám đốc nghiên cứu Dragon Capital - cho biết: Chi phí vay đã lên rất cao, cung tiền tăng rất thấp trong 6 tháng đầu năm 2011. Tổng mức bán lẻ tăng trưởng sau khi loại trừ mức lạm phát đã về gần bằng 0. Sức cầu yếu đi thấy rõ, nhưng lạm phát vẫn cao. Nếu tiếp tục thắt chặt hay thắt chặt tiền tệ mạnh hơn có lẽ cái giá phải trả cao hơn cái được rất nhiều. Một điểm quan trọng trong chính sách tiền tệ là không nên quá chú trọng vào lãi suất thực dương.
Vào thời điểm này chưa nên nâng dự trữ bắt buộc VND, nên tăng đối với USD để điều chỉnh lại cơ cấu tín dụng. Theo TS Nguyễn Thị Thanh Hương (NHNN VN), chính sách trần lãi suất là biện pháp hành chính, không giải quyết được gốc của vấn đề, lại tốn kém chi phí hành chính cho quản lý, kiểm tra, kiểm soát. Vì vậy nên dỡ bỏ trần lãi suất. Để kéo hạ lãi suất, cần giải quyết 3 vấn đề chưa hợp lý: Một là quản trị điều hành yếu kém ở một số NH thương mại, nhất là quản trị rủi ro tín dụng, quản trị thanh khoản. Hai là quản lý, điều hành trên thị trường liên NH chưa khơi thông tốt các luồng vốn. Ba là sự thắt chặt có phần quá mức của chính sách tiền tệ.
Giải quyết “căn bệnh” cơ cấu thị trường
Cùng với các chính sách thắt chặt tài khóa, kiểm soát nhập siêu, quản lý ngoại hối..., các cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét và điều chỉnh lại cơ cấu thị trường. TS Lê Anh Tuấn nhận xét: Cơ cấu thị trường, đặc biệt là thị trường lương thực, thực phẩm là một vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến lạm phát, nhưng ít được nhắc đến. VN là nước xuất siêu về lương thực thực phẩm, tuy nhiên lạm phát về lương thực thực phẩm cao gấp 3 - 4 lần các nước khác.
Chúng ta không thể cho rằng giá lương thực thế giới lên cao nên ảnh hưởng đến lạm phát. Giá bán lẻ tăng liên tục từ đầu năm bất chấp giá thu mua có nhiều lúc chững lại hay giảm. Chênh lệch giá thu mua và giá bán lẻ càng lớn cho thấy cơ cấu thị trường kém hiệu quả. Cơ cấu thị trường VN luôn tồn tại nhưng nó cũng giống như bệnh lao, chỉ khi ta yếu đi thì nó hoành hành. Chính điều này luôn làm cho lạm phát của chúng ta một khi đã lên thì lên rất mạnh.
TS Nguyễn Thị Kim Thanh - Viện trưởng Viện Chiến lược NH - cho biết: CPI lương thực của các nước lân cận cũng tăng nhưng thấp hơn nhiều: Trung Quốc 11,7%, Malaysia 10,5%, Thái Lan 8,4%, Ấn Độ 9,0%..., trong khi VN là nước xuất siêu lương thực lại tăng đến 30,15%. Yếu tố tiền tệ ở VN không phải là nguyên nhân làm cho giá lương thực thực phẩm tăng cao hơn các nước.
Tính đến tuần đầu của tháng 7.2011, giá thịt lợn bán lẻ ở Hà Nội đã tăng 82%, bất chấp giá thu mua có lúc giảm. Giá gạo nguyên liệu trên thị trường TPHCM tăng gần 20% trong vòng chưa đầy 1 tháng. Cấu trúc thị trường hàng hóa VN bao gồm cơ chế giám sát điều hành, cơ cấu về quy mô chăn nuôi, hệ thống thu mua phân phối... còn chưa hiệu quả, là một yếu tố đẩy giá lên cao.
(Theo báo lao động)