Nhớ lại thời điểm khi Công ty là Trạm phát điện Tuabin khí Bà Rịa (thuộc Nhà máy điện Chợ Quán, Công ty Điện lực 2) với 02 tổ máy GasTurbine F5, Speedtronic Mark 2 với tổng công suất thiết kế 46,8 MW, theo quyết định của ban giám đốc nhà máy điện Chợ Quán, hai mươi công nhân đầy hoài bão được điều động về tiếp quản vận hành Trạm phát điện Bà Rịa.
Tốt nghiệp trường Kỹ thuật điện Hóc Môn_Trường Cao Đẳng Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay_khóa 1980, chuyên ngành Sửa chữa Ô tô & Diesel, Công nhân Lê Văn Dũng (1961) về vận hành tại Nhà máy điện Chợ Quán tháng 12/1980. Đến 1985, anh Dũng thực hiện nghĩa vụ quân sự. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 1988, anh tiếp tục về làm việc tại đơn vị cũ. Năm 1991, trên tinh thần tự nguyện cũng như quyết định của ban giám đốc nhà máy điện Chợ Quán, anh Dũng từ thành phố hoa lệ Sài Gòn về Bà Rịa, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Nai (cũ) để vận hành Trạm phát điện Bà Rịa.
Ngày 24/12/1992, Trạm phát điện Tuabin khí Bà Rịa được chuyển thành Nhà máy điện Bà Rịa trực thuộc Công ty Điện lực 2. Ngày 01/04/1995, Nhà máy điện Bà Rịa được quyết định trực thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam. Trong thời gian từ năm 1991-05/1996, từ 02 tổ máy tuabin khí F5 ban đầu, Nhà máy điện Bà Rịa được lắp đặt thêm 06 tổ máy tuabin khí F6, nâng tổng công suất thiết kế lên 271,8 MW. Với cương vị là Vận hành viên phòng điều khiển, để làm chủ công nghệ thiết bị, anh Dũng và các công nhân vận hành luôn tìm hiểu nghiên cứu tài liệu kỹ thuật, học tập quy trình vận hành các tổ máy. Tôi còn nhớ, khi công tác tại tổ máy GT1,2; rất nhiều anh vận hành phòng điều khiển khen anh Dũng “ già”_biệt hiệu của anh, là chuyên gia về Speedtronic tổ máy F5. Để được như thế, đó là những ca đêm miệt mà bên các tài liệu kỹ thuật, luôn bám sát gian máy, nghe tiếng vận hành, dự đoán đó là những âm thanh máy vận hành ổn định hay bất thường.
Đứng trước giai đoạn phát triển của đất nước, đặc biệt là thời kỳ đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, nhu cầu về điện ngày một tăng cao. EVN quyết định triển khai lắp đặt cụm chu trình hỗn hợp đuôi hơi 306-1 với công suất 58MW, sử dụng nhiệt khí thải từ tuabin khí GT5.6.7 và được đưa vào vận hành từ năm 1999. Đến tháng 04/2002, nhà máy tiếp tục đưa vào vận hành cụm chu trình hỗn hợp đuôi hơi 306-2, sử dụng nhiệt khí thải từ tuabin khí GT3.4.8, với công suất 59,1MW. Như vậy, tổng công suất thiết kế của nhà máy đến thời điểm này là 388,9 MW.
Đảm nhận vị trí VHV phòng điều khiển GT1.2, hệ thống nhà bơm cứu hỏa, trạm 35/15KV & 110KV, anh Dũng luôn chấp hành tốt nội quy Nhà máy, gương mẫu trong công tác chuyên môn, thực hiện đúng quy trình, quy định của ca vận hành. Năm 2004, kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển Điện lực Việt Nam” đã có tên anh, đó là phần thưởng ghi nhận những thành tích đóng góp cho Nhà máy điện Bà Rịa nói riêng, ngành điện nói chung.
Tháng 03 năm 2005, Nhà máy điện Bà Rịa trở thành đơn vị thành viên hạch toán độc lập của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam với tên doanh nghiệp là Công ty Nhiệt điện Bà Rịa. Tháng 12 năm 2006, Công ty Nhiệt điện Bà Rịa cổ phần hóa theo quyết định số 227/QĐ-EVN và chính thức có tên trên thị trường chứng khoán Việt Nam là Công ty Cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa.
Từng ngày chứng kiến Nhiệt điện Bà Rịa một đổi mới, anh công nhân Lê Văn Dũng ngày nào bên cạnh chuyên môn luôn trao dồi, anh tự tìm hiểu và học thêm vi tính qua sách tin học: Excel, Word…, tham gia các lớp Anh văn ban đêm do Công ty tổ chức. Những kiến thức đó thật quý báu, giúp anh thuận lợi trong việc tìm đọc tài liệu kỹ thuật nước ngoài, thao tác điều khiển vận hành máy qua giao diện HMI…
Cuộc sống cứ nghĩ luôn suôn sẻ, tháng 10/2009, sau những lần cảm thấy sức khỏe suy giảm không rõ, anh khám bệnh và phát hiện mình bị bệnh ung thư vòm họng. Nhớ lại, anh xem như là thần chết đã gọi tên mình. Anh xin tạm nghỉ việc ở Công ty, cùng gia đình trị bệnh tại bệnh viện Ung bướu Sài Gòn. Đó là khoảng thời gian từ tháng 10/2009 đến 04/2010, anh xạ trị khoảng 35 tia, người gầy nhóp, xanh xao. Vợ anh, chị Kiều và các con luôn túc trực chăm sóc động viên anh cố gắng tâm lý mau chóng trị khỏi bệnh, ngoài ra CBCNV Công ty đã vận động quyên góp quỹ giúp đỡ, thăm hỏi. Đó chính là những nguồn lực động viên giúp anh đáp ứng thuốc, mau chóng khỏi bệnh.
Sau đợt điều trị đó, anh khỏe hẳn và tiếp tục về công tác tại Công ty. Ngày về làm, đồng nghiệp ai cũng khen anh thật “chì”, ung thư mà không chết thì hiếm lắm,
đúng là lính vận hành có khác, luôn kiên định, bình tĩnh xử lý khi “sự cố” xảy ra. Tháng 04/2012 bác sĩ chỉ định anh điều trị lần hai khi thấy bệnh anh tái phát. Những lần hóa trị (06 liều) khiến anh thêm mất sức, mất niềm tin vào cuộc sống. Nhưng nghĩ về gia đình, các con còn nhỏ, người vợ hiền luôn bên mình, anh thêm quyết tâm ý chí, chịu cơn đau thể xác để phối hợp điều trị. Anh cố gắng ăn lấy sức khỏe, hát karaoke cho tinh thần luôn lạc quan, thoải mái…rồi anh cũng xuất viện với kết quả tốt nhất.
Ngày 30/11/2012, với bài kiểm tra an toàn bước hai đạt kết quả tốt, anh Dũng chính thức đi lại ca vận hành. Khoảng thời gian năm 2013, anh như con người vượt qua cái chết, trong công việc luôn hoạt động hăng say, học tập chu trình hỗn hợp 306-2 & cải tiến kỹ thuật GT3 Mark VI, làm tốt công việc chuyên môn, bồi huấn nâng cao tay nghề cho mình cũng như giúp đỡ đồng nghiệp hoàn thành nhiệm vụ ca vận hành. Những phấn đấu của cá nhân anh và vận hành viên trong ca cuối cùng cũng gặt hái kết quả: giải nhất Ca VHATKT năm 2013, và chuyến đi tham quan giao lưu học tập tại Công ty Thủy điện Thác Bà tháng 09/2014 là phần thưởng ghi nhận sự đóng góp của ca vận hành. Chuyến đi đó đối với anh thật nhiều trải nghiệm mới, là những thửa ruộng bậc thang tít tận chân trời đang vào mùa vàng óng, là những nụ cười hiền hòa, hồn nhiên của người dân Tây Bắc. Đặc biệt, khi giao lưu tại Công ty Thủy điện Thác Bà, đọng lại trong anh đó là những cái bắt tay giao lưu chan hòa, cái tình cái nghĩa của những đồng nghiệp nơi miền núi, khát khao không khí của anh em miền xuôi lên, đậm đà thêm hương vị rượu bắp núi rừng như thắt chặt tình cảm của đơn vị kết nghĩa thuộc EVNGENCO 3.
Trò chuyện với anh, chuyến tham quan giao lưu đơn vị bạn đối với anh đầy ắp kỷ niệm vui. Hỏi anh có tâm sự gì, anh nhận thấy văn hóa doanh nghiệp ngành điện mình thật hữa ích, thú vị; Ứng dụng trong công việc, cuộc sống hàng ngày mới thấy được sự hiệu quả của VHDN, CBCNV Công ty đồng lòng vì một mục đích chung; Các thành viên trong toàn ngành như xích lại gần nhau, mọi người thêm văn hóa tự tin trong giao tiếp ứng xử, góp phần tăng năng suất công việc được giao. Nhìn nét mặt anh khi nói chuyện, tôi như tiếp thêm niềm tin, với một người anh đáng kính ấy, trải qua bao thăng trầm trong cuộc sống, bao khó nhọc trong công việc hàng ngày, vẫn ánh lên niềm tự hào là công nhân Công ty Cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa./.