Tin ngành điện

Điện sinh hoạt: Cần sử dụng hợp lý

Thứ ba, 22/6/2010 | 15:51 GMT+7
Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội cho biết, lượng điện tiêu thụ tại các hộ gia đình chiếm khoảng 35-40% tổng lượng điện tiêu thụ quốc gia. Trung bình mỗi người dân đô thị chi khoảng 6-8 triệu đồng/năm cho nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Cùng với đó là việc thải ra môi trường lượng khí thải, rác thải rất lớn, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Bởi vậy, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong mỗi hộ gia đình mang lại lợi ích lớn.

Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội cho biết, lượng điện tiêu thụ tại các hộ gia đình chiếm khoảng 35-40% tổng lượng điện tiêu thụ quốc gia. Trung bình mỗi người dân đô thị chi khoảng 6-8 triệu đồng/năm cho nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Cùng với đó là việc thải ra môi trường lượng khí thải, rác thải rất lớn, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Bởi vậy, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong mỗi hộ gia đình mang lại lợi ích lớn.

Lựa chọn thiết bị tiết kiệm điện

Theo ông Hoàng Đức Huỳnh - Chuyên viên Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội, sử dụng các loại đèn chiếu sáng tiết kiệm năng lượng đang được bày bán nhiều trên thị trường là lựa chọn tối ưu. So sánh cụ thể cho thấy, trong khi đèn compact tiết kiệm điện quang thông 250Lumens có công suất 5W thì đèn sợi đốt truyền thông cần 25W. Chi phí tiền điện cho đèn compact này vào khoảng 1.800 đồng/tháng, còn đèn sợi đốt gấp hơn 4 lần, tương đương 9.000 đồng/tháng. Lượng ánh sáng của 2 loại đèn này được các chuyên gia đánh giá là xấp xỉ nhau.

Điện dùng cho chiếu sáng ở nông thôn chiếm từ 30-40%, ở thành phố chiếm khoảng 25-35% năng lượng tiêu thụ của cả hộ gia đình. Điện chiếu sáng được dùng thường xuyên, đáp ứng các nhu cầu bình dân nhất nên cần tiết kiệm điện chiếu sáng ở mọi lúc, mọi nơi. Bởi vậy, bên cạnh việc lựa chọn thiết bị tiết kiệm điện, các hộ gia đình nên tận dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên và tắt đèn chiếu sáng ngay khi ra khỏi phòng hoặc không còn sử dụng.

Theo Quyết định số 848/QĐ-TTg, sửa đổi, bổ sung Quyết định số 80/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 15-6 đến hết 15-9-2010, hồ thủy điện Sơn La phải điều tiết đảm bảo an toàn công trình; các hồ: Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà phải điều tiết để chống lũ và phát điện theo thứ tự ưu tiên. Nội dung thứ tự ưu tiên được xác định theo quyết định mới, gồm: Đảm bảo an toàn công trình; đảm bảo an toàn chống lũ cho hạ du và đảm bảo an toàn phát điện.

Đối với người dân ở khu vực đô thị, sử dụng điều hòa nhiệt độ trong hộ gia đình ngày càng trở nên phổ biến. Đây được coi là thiết bị “ngốn” rất nhiều điện năng. Theo các chuyên gia năng lượng, nên lựa chọn loại điều hòa nhiệt độ có công suất phù hợp với diện tích căn phòng sử dụng. Ví dụ, phòng có diện tích 12m2 nên chọn điều hòa 9.000 BTU, phòng có diện tích 20m2 thích hợp với điều hòa 12.000 BTU. Ngoài ra, nhiệt độ đặt cho điều hòa cũng cần điều chỉnh phù hợp với các mùa trong năm. Mùa hè nên để điều hòa ở 25 độ C, mùa xuân và mùa thu nên để ở ngưỡng 28 độ C trở lên nhằm tiết kiệm năng lượng và đảm bảo sức khỏe. Tính toán cụ thể cho thấy, nếu điều hòa nhiệt độ được đặt tăng thêm 1 độ C sẽ tiết kiệm được thêm khoảng 3% điện năng tiêu thụ.

Những biện pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng cũng được áp dụng đối với hầu hết các thiết bị khác trong gia đình như: máy giặt, tủ lạnh, máy vi tính, bình nước nóng, ti vi, bàn là, nồi cơm điện… Muốn tiết kiệm điện năng tiêu thụ, các thiết bị này cần được sử dụng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, có công suất phù hợp với nhu cầu và cần được vệ sinh, bảo trì bảo dưỡng thường xuyên.

30% hộ gia đình Hà Nội sử dụng năng lượng hợp lý

Ông Phạm Trung Sơn - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, sắp tới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền tiết kiệm điện trong các hộ gia đình bởi công việc này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, góp phần bảo vệ môi trường… mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn phải đương đầu với tình trạng thiếu điện vào mùa nóng. Cắt điện luân phiên xảy ra liên tiếp tại Hà Nội trong những ngày thời tiết khắc nghiệt vừa qua. Sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm sẽ giúp người dân giảm được số lần chịu cắt điện luân phiên.

Theo đó, biện pháp được Sở Công Thương Hà Nội lựa chọn là sẽ tổ chức tập huấn sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cho khoảng 200 hộ gia đình trên địa bàn 10 quận nội thành Hà Nội trong tháng 6 và tháng 7 tới, gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Cầu Giấy, Long Biên, Hà Đông và Thanh Xuân. Hội Liên hiệp Phụ nữ các phường, các cá nhân tiêu biểu trên địa bàn quận sẽ tham gia các buổi tập huấn này, từ đó tuyên truyền, nhân rộng ra các hộ gia đình xung quanh.

Song song với hoạt động này, năm nay, UBND thành phố Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức cuộc vận động thí điểm phong trào hộ gia đình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố với chủ đề “Sử dụng năng lượng hiệu quả trong mỗi hộ gia đình là tiết kiệm cho các bạn hôm nay và thế hệ tương lai” đến khoảng 100.000 hộ gia đình. Phong trào sẽ tiến hành bình xét danh hiệu “Gia đình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” và danh hiệu “Gia đình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tiêu biểu”. Ban tổ chức kỳ vọng, sau cuộc vận động này có khoảng 30% số hộ gia đình áp dụng các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; 10-15% số hộ gia đình tiết kiệm năng lượng đạt hiệu quả cao. Trong đó, mỗi quận sẽ có 3 hộ gia đình đạt được danh hiệu bình xét nêu trên. Cũng theo ông Sơn, chi phí cho mỗi hộ gia đình sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện, thay thế các thiết bị cũ sẽ được hoàn lại trong khoảng 2 năm nhờ việc giảm chi phí tiêu thụ.

Ngoài ra, để tư vấn mọi lúc, mọi nơi cho người dân trong hoạt động này, tổng đài 04.1081 hoặc ấn phẩm “Những trang vàng tiêu dùng 2010-2011” sắp được phát hành sẽ đồng hành cùng các hộ gia đình, với việc tư vấn, đưa ra các giải pháp tiết kiệm năng lượng tối ưu nhất.

(Theo trang thông tin ngành điện)

btp