Chính phủ sẽ nỗ lực gỡ bỏ các “nút thắt” của nền kinh tế để góp phần trợ giúp doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này.
Nhấn mạnh ý trên trong phát biểu tại Hội nghị Doanh nhân tiêu biểu toàn quốc 2008, diễn ra ngày 11/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định Chính phủ sẽ tăng cường công tác thông tin về tình hình kinh tế xã hội để doanh nghiệp có cơ sở xác định phương án kinh doanh thích hợp.
Điểm lại những kết quả đạt được trong 9 tháng qua, Thủ tướng nhận định dù lạm phát, giá cả đã ổn định, nhập siêu bớt căng thẳng, tăng trưởng đã khởi sắc và sản xuất, xuất khẩu vẫn duy trì được tăng trưởng, nhưng cơ bản vẫn còn nhiều thách thức.
“Thời gian qua, chúng ta chủ yếu phát triển theo chiều rộng và phụ thuộc vào vốn nên hiệu quả còn kém, vốn đổ ra thì tăng cầu kéo, tăng lạm phát…” Thủ tướng nói.
Để giải quyết được những yếu điểm này, Thủ tướng yêu cầu mỗi doanh nghiệp Việt Nam phải tính toán lại phương án, chiến lược sản xuất kinh doanh, làm sao để nâng được hiệu quả, từng bước góp phần nâng sức cạnh tranh của cả nền kinh tế.
Chia sẻ những kiến nghị từ phía doanh nghiệp, Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ nỗ lực gỡ bỏ các “nút thắt” của nền kinh tế, như tăng cường cải cách hành chính, phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực…, góp phần trợ giúp cộng đồng doanh nghiệp. Thủ tướng cũng yêu cầu cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục thực hiện nghiêm túc 8 nhóm giải pháp của Chính phủ, hiện đã đạt được kết quả bước đầu như đã kiềm chế được lạm phát theo hướng giảm dần, hạn chế nhập siêu, cán cân thanh toán ổn định, nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng khá.
Thủ tướng cũng lưu ý các doanh nghiệp phải nâng cao trách nhiệm xã hội và văn hóa kinh doanh.
“Doanh nghiệp Việt Nam phải có truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam. Kinh doanh thì phải có hiệu quả, có tiền, nhưng đồng tiền đó là chính đáng, là đúng pháp luật, là từ tài năng, từ hiệu quả chứ không phải vi phạm pháp luật. Sẽ không có văn hóa doanh nghiệp nếu trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường, gian lận trong kinh doanh...”, Thủ tướng nói.
Ngày Doanh nhân đặc biệt
Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) năm nay diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt.
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, đó là việc nền kinh tế trong nước và cộng đồng doanh nghiệp đang phải trải qua những thách thức và khó khăn to lớn, do ảnh hưởng của những biến động bất lợi, khó lường của nền kinh tế thế giới; trong điều kiện lạm phát trong nước cao, nhập siêu lớn, kinh tế vĩ mô có nhiều biến động phức tạp.
Tại Hội nghị Doanh nhân tiêu biểu toàn quốc 2008, với sự tham dự của đại diện 500 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nhiều đại diện doanh nghiệp có chung ý kiến: những khó khăn chung của nền kinh tế đã đang có những tác động nhất định đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, như giá cả nguyên vật liệu tăng cao, lãi suất vay ngân hàng cao…
Ông Vũ Tiến Lộc nói, thời gian một, hai năm trước mắt chắc chắc sẽ là giai đoạn phải phấn đấu quyết liệt của các doanh nghiệp để trụ vững, vượt qua khó khăn, và chuẩn bị tiền đề cho bước phát triển hậu lạm phát.
Nhưng trong khó khăn đó, theo người đứng đầu VCCI, từ cuối năm 2007 và những tháng đầu năm 2009, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn có những điểm sáng.
Chẳng hạn, trong 6 tháng đầu năm, cả nước có trên 34.300 doanh nghiệp được thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập và đăng ký kinh doanh lên 286 nghìn doanh nghiệp. Và theo một kết quả điều tra mới đây của VCCI, tuy trong tình hình khó khăn nhưng vẫn có tới 41,3% số doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong thời gian tới.
* Tối 11/10, nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2008), 100 doanh nhân tiêu biểu đại diện cho hàng nghìn doanh nhân trên cả nước đã được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng và Trưởng ban Tổ chức Trung ương Hồ Đức Việt trao tặng cúp Thánh Gióng - biểu tượng cho tinh thần sức mạnh của doanh nhân Việt Nam. Đây là lần thứ 3 liên tiếp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức trao tặng danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu.
Theo vneconomy